Phone: 0913 151 156
Phone: 0364475551
Phone: 0365117664
Được làm việc tại đây là niềm mơ ước của bất cứ sinh viên nước ngoài nào sau khi tốt nghiệp.
Hiện tại Chính phủ Đức mới bổ sung điều luật cho phép sinh viên nước ngoài sau khi tốt nghiệp có thể ở lại nước Đức trong 18 tháng để kiếm việc làm, thậm chí nếu đã trở về Việt Nam, vẫn có thể quay lại được nước Đức trong vòng 6 tháng để tìm kiếm công việc yêu thích. Cũng phải thừa nhận, trình độ lao động của Đức rất cao, cũng như đòi hỏi của các công ty Đức là không hề đơn giản. Để kiếm được công việc sau tốt nghiệp đúng ngành nghề là khá khó khăn, khi phải cạnh tranh trực tiếp với các bạn Đức và các nước châu Âu khác, với vốn tiếng Đức bản địa hoàn hảo và kĩ năng làm việc cùng tư duy hiện đại.
Tuy nhiên, cơ hội làm việc tại Đức của các sinh viên Việt Nam là có. Một vài du học sinh Việt Nam đã kiếm được việc làm rất tốt tại đây, như Trịnh Lê Minh – sinh viên khóa 01, chương trình hợp tác giữa trường Đại học Bách Khoa Hà Nội với đại học Leibniz Hannover (LUH01) hiện đang làm kĩ sư phát triển phần mềm ở Braunschweig, Sinh viên Hoàng Bách (LUH02) đang làm kĩ sư cơ khí ở München… Các du học sinh ở lại làm việc tại Đức đều có mức thu nhập khá cao, ví dụ như trường hợp của sinh viên Nguyễn Hoàng Tùng (LUH01) đang hưởng mức lương 4000Euro/tháng (tương đương gần 100 triệu đồng/tháng)
Nếu bạn còn chưa tốt nghiệp, thì việc kiếm tìm một việc làm “hái ra tiền” tại Đức cũng không khó khăn gì. Nguyễn Đức Hiếu – sinh viên chuyển tiếp của Viện Đào tạo Quốc tế, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Việc làm ở thành phố Hannover, nơi em theo học, rất nhiều, các bạn sinh viên hoàn toàn có thể tranh thủ thời gian nhàn rỗi để đi làm thêm. Công việc phổ biến, như: đứng quầy thu ngân tại các cửa hàng ăn nhanh như Mc Donald, Le Crobag, Burger King …, sắp xếp kho trong những cửa hàng thời trang như Esprit, S.Oliver, H&M …, làm phụ bếp tại các quán ăn Việt Nam, làm thêm trong các viện nghiên cứu của trường, đi đưa thư… Thu nhập từ 6-11 Euro/giờ (tương đương 170.000đ – 300.000đ/giờ). Mỗi sinh viên được làm thêm tối đa là 180 ngày/năm (8 tiếng/ngày). Mức thu nhập này đủ để mỗi sinh viên có thể trang trải cuộc sống hàng ngày”.
Nước Đức – Thiên đường mua sắm
Sinh viên là những người thích mua sắm nhưng luôn đặt “tính kinh tế” lên hàng đầu. Vì vậy, mùa rộn ràng nhất và được mong chờ nhất là “Mùa Sale”. Mùa sale của nước Đức rơi vào khoảng thời gian tháng 7, tháng 8, cũng như đợt sale mạnh trước và sau kì nghỉ Noel và năm mới. Ngoài ra, các cửa hàng như H&M, Esprit, Mango, Newyorker … thường sale mạnh mẽ vào cuối đợt thời trang xuân, hè, thu … để thanh lí hàng hoá. Nếu may mắn, sinh viên hoàn toàn có thể mua được những sản phẩm “hàng hiệu” cực kì chất lượng với giá chỉ bằng 20-30% giá gốc.
Nguyễn Tuyết Hạnh – sinh viên chuyển tiếp sang Đại học Leibniz Hannover chia sẻ: “Hannover có khá nhiều trung tâm mua sắm lớn như Ernst August Galerie, Karstadt, Kaufhof Galeria …, ngoài ra còn vô số các cửa hàng thời trang của từng thương hiệu như Tommy Hilfiger, Lacoste, Mango, Esprit, H&M, S.Oliver, mỹ phẩm thì có Yves Rocher, Bodyshop, Douglas…, hay đồ thể thao như Adidas, Nike, Puma… Chính sách hạ giá của từng cửa hàng là khác nhau, tuy nhiên nếu khéo chọn, bạn sẽ luôn luôn mua được hàng sale giá rẻ. Ngoài mua sắm tại chính Hannover, 3 thành phố cũng cực kì thu hút sinh viên là Bremen, Hamburg và Wolfsburg (3 thành phố này đều nằm rất gần Hannover, chỉ cách xấp xỉ 1 tiếng đi tàu, và đặc biệt, với thẻ sinh viên của mình, các bạn sinh viên của Uni Hannover có thể đi tàu đến hoàn toàn MIỄN PHÍ”.)
Không thể không kể đến những nơi mua sắm với giá cực sốc là Ebay và Amazon. Sinh viên không những có thể mua đồ cũ, mới với giá cực rẻ, các bạn sinh viên còn có thể đăng bán chính những sản phẩm của mình, như máy ảnh, điện thoại, quần áo, giày dép …Ngoài ra, thiên đường của các du học sinh nói chung và du học sinh Việt Nam nói riêng là các trang mua bán online. Với hệ thống bưu điện nhanh chóng và ưu việt, chỉ 1-2 ngày sau khi đặt hàng, bạn đã có thể có ngay trên tay sản phẩm mong muốn với giá sale 50-70% qua những trang web lớn trên mạng chuyên mua sắm online…
Và nước Đức – Thiên đường du lịch
Đối với mỗi du học sinh thì việc đi học đã được coi là một hình thức đi du lịch miễn phí rồi. Đối với những sinh viên của Viện Đào tạo Quốc tế, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, khi chuyển tiếp sang học tại Đại học Leibniz Hannover cũng vậy. Trong hè, sinh viên thường tổ chức đi du lịch theo từng nhóm nhỏ từ 5-10 người. Họ có thể đi trong nước Đức hoặc trong các nước châu Âu. Hiện tại, ngoài các nước Tây Âu gần biên giới Đức nổi tiếng về du lịch như Hà Lan, Đan Mạch, Pháp, Bỉ, Thuỵ Sĩ… thì rất nhiều nước Đông Âu (như: Ba Lan, Séc, Hungary) đã gia nhập EU nên việc du lịch sang các nước này là vô cùng thuận tiện do không phải xin visa, và chi phí sinh hoạt, phòng khách sạn lại tương đối rẻ. Giá vé tàu tương đối hợp lí và linh động. Trung bình cho một chuyến đi 3-4 ngày tiêu tốn quãng 200-300 Euro (bao gồm tất cả tiền tàu xe, ăn uống, khách sạn, chi phí tham quan …) tuỳ theo mức độ phát triển của nước đến.
Nguyễn Thu Hiền – sinh viên LUH04 trong chuyến du lịch châu Âu cùng các bạn (Ảnh chụp tại cổng Brandenburg, CHLB Đức). Trong vòng 10 ngày, Hiền và các bạn đã thực hiện một chuyến du lịch “xuyên châu Âu” qua các địa điểm: Munich và Berlin (Đức), Copenhagen (Đan Mạch), Malmo (Thụy Sỹ), Praha (CH Séc), Hallstatt và Vienna (Áo)
Nước Đức khi ta ở và khi ta đi…
Nguyễn Tuấn Anh (LUH01), người đã có gần 6 năm sống và học tập tại Đại học Leibniz Hannover tâm sự: “Nước Đức đã để lại trong tôi quá nhiều kỷ niệm đẹp. Đó không chỉ là những lần dạo chơi trên những con đường lá vàng tuyệt đẹp, không chỉ là kỷ niệm về vị giáo sư già tận tụy với trò trong những mùa thi cử, không chỉ là nụ cười thân thiện của những người xa lạ tôi gặp trên đường,…Nước Đức đã cho tôi tri thức, cho tôi công nghệ, cho tôi cách nghĩ, cách tư duy, cả cách sống và cách làm việc nữa. Theo tôi, nước Đức có rất nhiều điều để các bạn trẻ Việt Nam ngày nay có thể học tập, đó là trách nhiệm và nhận thức. Nếu trình độ nhận thức được nâng lên, họ sẽ hiểu thế nào là đúng, thế nào là sai, là tốt hay là xấu và có thế thì một xã hội mới tiến bộ được. Tôi vẫn mong một ngày nào đó có thể quay trở lại nước Đức, để đi những chuyến tàu điện đến trường, để ngồi vào những giảng đường của một thời sinh viên, để lại một lần được nghe giảng say sưa… Nước Đức đã trở thành một phần máu thịt của tôi”
Theo thống kê, Viện Đào tạo Quốc tế, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội có khoảng gần 100 sinh viên chuyển tiếp sang theo học tại Đại học Leibniz Hannover, CHLB Đức. Trong đó, 20 sinh viên LUH01 đã tốt nghiệp gần hết, 30 sinh viên LUH02 đã tốt nghiệp 2/3, 05 sinh viên khóa LUH03 đã tốt nghiệp, 10 sinh viên LUH04 đang học năm cuối và chuẩn bị bảo vệ luận án thạc sĩ, 05 sinh viên LUH05 đang học năm thứ 2. Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đã tìm được việc làm tại Đức với mức thu nhập cao. Một số khác tiếp tục học lên các bậc học khác, như sinh viên Hà Quang (LUH01) hiện đang học Tiến sĩ.
Theo SVVN